Một trong những lý do là hiện nay, hầu hết các hộ dân đều sử dụng công tơ cơ. Ưu điểm của loại công tơ cơ là thích hợp trong mọi điều kiện thời tiết và dễ sử dụng nhưng nhược điểm là độ chính xác hạn chế do ảnh hưởng của quán tính cơ; không thể đo đếm theo nhiều biểu giá; khó tích hợp các công nghệ mới để quản lý đo đếm điện năng. Đặc biệt, công nhân ghi chữ phải trèo lên tận cột điện để đọc từng công tơ nên rất mất thời gian và khó tránh khỏi sai sót.
Nhằm nâng cao độ chính xác, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) đã chỉ đạo Trung tâm Viễn thông và Công nghệ thông tin nghiên cứu chế tạo công tơ điện tử để sử dụng trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên. Khó khăn lớn nhất là điều kiện khí hậu miền Trung – Tây Nguyên thường có độ ẩm cao, nhiệt độ thay đổi lớn theo các mùa nên phải đảm bảo tính tương thích của sản phẩm khi đưa ra sử dụng trong thực tế, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, độ bền cách điện, đặc biệt là phải “tương thích điện từ”. Sau một thời gian nghiên cứu, sản phẩm công tơ điện tử DT01P-RF ra đời đã được chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7589:2007 và IEC 62053-20:2003, được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp Quyết định phê duyệt mẫu công tơ 1 pha tích hợp bo mạch đọc chỉ số công tơ bằng sóng vô tuyến RF DT01P-RF. Chỉ tiêu tương thích điện tử của sản phẩm đã được tổ chức kiểm định Trung Quốc (Shenzen Electronic Product Quality Test Center) thử nghiệm và cấp chứng nhận.
Đặc biệt, nhân viên ghi chỉ số không phải trèo lên cột điện đọc số ở từng công tơ như trước mà có thể đọc chỉ số trong bán kính đến 100 mét nên nhân viên ghi chỉ số có thể ghi được dữ liệu cả khi khách hàng vắng nhà, vừa đỡ tốn thời gian, vừa hạn chế được những sai sót phát sinh trong quá trình ghi thủ công. Thậm chí, có thể in và phát giấy báo tiền điện ngay khi ghi chữ số, giúp giảm được ngày dư nợ… Đặc biệt, nếu đọc chỉ số điện theo cách thông thường, công nhân phải mất một ngày để đọc tối đa 250 công tơ, nếu sử dụng công tơ điện tử, khối lượng công việc này chỉ mất 15 phút. Ngoài khả năng chống gian lận điện năng, độ nhạy cao, ổn định, tổn hao điện năng thấp, loại công tơ này còn có ưu điểm là trọng lượng nhỏ, kích thước gọn, dễ lắp đặt, sai số thiết bị đo và nguyên nhân chủ quan do con người gây ra cũng được giải quyết đáng kể. Với việc sản xuất trong nước với giá thành cạnh tranh so với hàng nhập ngoại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tiết kiệm chi phí đầu tư của ngành điện nói chung.
Cơ chế hoạt động của công tơ điện tử DT01P-RF là mỗi công tơ được gắn 1 module truyền sóng vô tuyến; khối thu phát tín hiệu di động được gắn vào thiết bị cầm tay đã cài đặt chương trình RF-AMR để thu thập số liệu qua sóng vô tuyến, in giấy thông báo tiền điện qua máy in di động bằng sóng Bluetooth. Bằng các thao tác kỹ thuật, nhân viên ghi điện dùng HU có ghép bộ thu phát sóng để đọc chỉ số công tơ, in giấy thông báo tiền điện và giao cho khách hàng. Cuối phiên ghi chữ, dữ liệu mới được ghép trở lại vào cơ sở dữ liệu kinh doanh để cập nhật chỉ số in hoá đơn.
Theo các chuyên gia tại Hội nghị tổng kết công tác đo đếm điện năng do EVN CPC tổ chức vừa qua, công tơ điện tử đã đảm bảo tính chính xác cao; loại trừ sai số do thành phần cơ khí gây ra; có khả năng chống gian lận điện năng; độ nhạy cao, ổn định, tổn hao thấp; giảm được tổn thất điện năng; trọng lượng nhỏ, kích thước gọn, dễ lắp đặt; dễ ứng dụng công nghệ mới như đọc chỉ số tự động, đo nhiều biểu giá, nhiều thông số.
Được biết, từ tháng 7/2009, Chi nhánh điện Bắc Sông Hương - Điện lực Thừa Thiên - Huế đã lắp đặt sử dụng thí điểm tại 75 công tơ điện tử DT01P-RF. Đến nay, số công tơ này hoạt động rất ổn định, nhân viên ghi chữ điện có thể tác nghiệp mọi thời điểm trong ngày, kể cả lúc khách hàng đi vắng mà vẫn đảm bảo tính chính xác và tiện lợi. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có quyết định phê duyệt mẫu công-tơ 1 pha tích hợp bo mạch đọc chỉ số công-tơ bằng sóng vô tuyến RF DT01P-RF đầu tiên của Việt Nam.
Hiện nay, EVN CPC đã giao cho Công ty Viễn thông – công nghệ thông tin sản xuất thêm 20.000 công-tơ điện tử cung cấp cho các điện lực, tiến dần từng bước thay thế toàn bộ công tơ cơ hiện nay ở miền Trung – Tây Nguyên.